Phò tá Cao Tông, đề xuất phòng bị Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Tháng 5 năm Kiến Viêm đầu tiên (1127), Trương Bang Xương được người Kim đưa lên làm hoàng đế bù nhìn, Trương Tuấn trốn khỏi kinh sư. Nghe tin Triệu Cấu lên ngôi ở phủ Ứng Thiên [2], ông tìm đến, kịp tham dự nghi thức đăng cơ, được ban hàm Xu mật viện biên tu, rồi đổi làm Ngu bộ lang. Tháng 7, Trương Tuấn được Thượng thư hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang (dân gian gọi là Hữu tướng) Hoàng Tiềm Thiện cất nhắc làm Điện trung thị ngự sử. Tháng 8, Trương Tuấn giúp Hoàng Tiềm Thiện đàn hặc Thượng thư tả bộc xạ kiêm Môn hạ thị lang (Tả tướng) Lý Cương là chuyên quyền. Sau khi Lý Cương bị bãi chức, lại tiếp tục chịu sự công kích của Trương Tuấn.

Quân Kim nam hạ, Tống Cao Tông trốn về miền đông nam, bộ hạ của Hậu quân thống chế Hàn Thế Trung bức nhiều quan viên té xuống nước chết đuối, Trương Tuấn tâu xin đoạt hàm Quan sát sứ của Hàn Thế Trung, để mọi người biết có quốc pháp. Ông dời sang làm Thị ngự sử. Bấy giờ Tống Cao Tông ở Dương Châu, Trương Tuấn dâng lời: "Trung Nguyên là căn bản của thiên hạ, xin hạ chiếu tập kết ở Đông Kinh, Quan Thiểm, Tương Đặng để đợi xa giá giáng lâm." Vì thế trái với chủ trương cầu hòa của Hoàng Tiềm Thiện, Trương Tuấn nhận hàm Tập Anh điện tu soạn, biếm ra ngoài làm Tri Hưng Nguyên phủ. Chưa lên đường, được cất nhắc làm Lễ bộ thị lang, Cao Tông triệu đến dụ rằng: "Khanh biết mà không nói, nói mà không hết, trẫm mới lên ngôi, chính là muốn một bước lên trời mà không có lông cánh, khanh gắng ở lại giúp trẫm" Ông được ban hàm Ngự doanh sứ tư tham tán quân sự. Trương Tuấn dự đoán người Kim ắt lại đến đánh, mà triều đình Nam Tống an nhiên tự đắc, bỏ bê phòng bị, nên ra sức khuyên tể tướng Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn, nhưng 2 người đều cười ông quá phận.

Liên quan